Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ ưu tiên phát triển những ngành nghề gì?

Theo bản giải trình về lý do lựa chọn ngành nghề ưu tiên phát triển của 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, ban soạn thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã chỉ ra các lợi thế đặc thù và dựa vào phân tích, đánh giá định tính, định lượng để đưa ra đề xuất cụ thể các ngành nghề ưu tiên đầu tư phát triển cho từng đặc khu kinh tế.

Việc lựa chọn ngành, nghề ưu tiên phát triển cho 3 đặc khu kinh tế này được xác định trên cơ sở phối hợp đánh giá với Công ty TNHH Tư vấn Boston – The Boston Consulting Group (BCG, Mỹ).

Vân Đồn: Ưu tiên công nghệ cao, du lịch, hậu cần

Với đặc khu kinh tế Vân Đồn, ban soạn thảo luật chỉ ra rằng, Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á. 

Về cơ sở hạ tầng, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Móng Cái, đoạn Hải Phòng – Hạ Long –
Móng Cái và cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang được đầu tư xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018 sẽ là động lực thúc đẩy sự giao lưu, kết nối, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.  

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tại khu vực Bắc Bộ hiện gần như đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định trong đó đặc biệt là tổ hợp nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên; tổ hợp nhà máy LG tại Hải Phòng. Với hạ tầng kết nối thuận lợi, đặc biệt trong khu vực Bắc Bộ, việc phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin tại Vân Đồn, theo ban soạn thảo luật là “có rất nhiều lợi thế”.  

 Vị trí của Vân Đồn gần với Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Bản thân Vân Đồn hiện đang là huyện đảo với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ. Trong khu vực còn có vườn quốc gia Bái Tử Long gồm những khu rừng nguyên sinh quý giá với 60,4% diện tích đất tự nhiên là rừng và đất rừng. Đây là tiềm năng lớn cho các hoạt động du lịch sinh thái và các hoạt động liên quan đến đường bờ biển.

Đặc khu kinh tê Vân Đồn được đề xuất ưu tiên phát triển công nghệ cao, du lịch, hậu cần.

Ngoài ra, xu hướng du lịch nước ngoài đang phát triển trên thế giới mà khu vực châu Á Thái Bình Dương nổi lên như là một thị trường cung cấp du khách hàng đầu, theo ban soạn thảo, nếu tối ưu hóa được các lợi thế sẵn có, Vân Đồn sẽ chiếm được thị phần đáng kể của thị trường đang phát triển nhanh chóng này.  

 Việc phát triển các hệ thống mua sắm quốc tế, hệ thống bán lẻ quy mô lớn, dịch vụ hậu cần cũng sẽ bổ trợ cho phát triển ngành du lịch tại Vân Đồn.

Theo đánh giá của ban soạn thảo luật, với vị trí địa lý khá cách biệt và dân số hiện tại còn ít, chưa phát triển là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ Chính phủ trong việc mạnh dạn thử nghiệm, áp dụng những chính sách, mô hình mới.  

Từ những lợi thế đặc thù như ở trên, những ngành, nghề ưu tiên cho phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn được được đưa ra bao gồm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần.

Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao sẽ đầu tư vào các lĩnh vực như ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; chế biến dược phẩm, chế phẩm sinh học; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.

Với công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phải có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng.

Về phát triển lĩnh vực du lịch vào đặc khu kinh tế Vân Đồn, theo dự thảo luật, các dự án khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ từ 4 sao trở lên; du lịch văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu là 44.000 tỷ đồng. Công nghiệp văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. Trung tâm giải trí có thưởng quốc tế quy mô tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Kinh doanh cảng hàng không, sân bay với quy mô vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; kinh doanh vận tải hàng không; dịch vụ hậu cần hàng không với quy mô vốn tối thiểu 110 tỷ đồng.

Dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

 Bắc Vân Phong: Ưu tiên cảng biển, quốc phòng

Khu vực dự kiến phát triển thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nằm ở toạ độ địa lý cực Đông trên đất liền của Việt Nam, nằm rất gần ngã ba các tuyến hàng hải: châu Âu – Bắc Á, châu Úc – Đông Bắc Á, và Đông Nam Á – Đông Bắc Á và là điểm hội tụ của các cảng trên bán đảo Đông Dương và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vịnh Vân Phong là một vịnh lớn, tương đối kín và chắn gió tốt. Vịnh có độ sâu 20-25m, là một trong những vịnh tự nhiên tốt nhất vùng Đông Á, thuận tiện cho khu cảng nước sâu.  

Trong tương lai, Thái Lan sẽ tiến hành xây dựng kênh đào Kra cắt ngang qua Thái Lan để kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương. Việc trao đổi thương mại giữa Khu mậu dịch ASEAN và các nước trên thế giới sẽ được rút ngắn hơn 1.000km so với tuyến đường đi qua eo Malacca. Với vị trí nằm trên tuyến đường thương mại này, Vân Phong có điều kiện thuận lợi để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế.  

 Việc hợp tác với nước ngoài về các ngành công nghệ phần mềm và công nghệ thông tin trong việc đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng mềm là khá tốt. Điển hình là trường hợp của Ấn Độ, thông qua ”Chính sách Đông Nam Á”, Ấn Độ phối hợp với đại học Nha Trang đầu tư 5 triệu USD xây dựng công viên công nghệ qua đó sẽ tạo ra một môi trường phát triển công nghệ thông tin ứng dụng tại Khánh Hòa nói chung.  

Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển cảng biển, quốc phòng, điện tử, cơ khí.

Bắc Vân Phong có vị trí gần với căn cứ quân sự Cam Ranh, việc phát triển các ngành nghề chế tạo, thiết bị phục vụ cho quốc phòng sẽ tạo thành vùng công nghiệp phụ trợ cho việc phát triển công nghiệp quốc phòng của quốc gia. Ngoài ra, Ấn độ cũng đã công bố khoản tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam nhằm đẩy mạnh trong trong hợp tác và phát triển các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng giữa hai bên .

Từ những lợi thế đặc thù như trên, những ngành, nghề được lựa chọn tại Bắc Vân Phong bao gồm: dịch vụ cảng biển và hậu cần; công nghệ thông tin, quốc phòng, điện tử, cơ khí; dịch vụ du lịch; thương mại – tài chính.

Lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ bao gồm sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ phần mềm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin với vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng. 

Ngoài ra, các dự án công nghệ thông tin được ưu tiên phát triển cũng bao gồm sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, đóng tàu; sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm cho tiết điện tử có vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư phát triển cảng biển hàng hoá và hành khách quốc tế có vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Dịch vụ hậu cần cảng biển có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng.

Dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại – tài chính gắn liền với cảng biển có vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

Phú Quốc: ưu tiên du lịch, bán lẻ, y tế

Đảo Phú Quốc có điều kiện thuận lợi gắn kết bằng đường biển với các nước ASEAN có biển, với các tuyến du lịch biển và các tuyến hàng hải quốc tế; cách Thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay.

Phú Quốc có điều kiện thuận lợi về khí tượng thuỷ văn, môi trường tự nhiên, núi, rừng, biển, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, có những di tích lịch sử, văn hóa giá trị .

Kết cấu hạ tầng của Phú Quốc đã được đầu tư khá đồng bộ và bao gồm nhiều công trình quan trọng như sân bay quốc tế, điện, nước, viễn thông, đường giao thông, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi và đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Đặc khu kinh tế Vân Đồn ưu tiên các dự án trong lĩnh vực du lịch, bán lẻ, y tế.

Theo đánh giá của ban soạn thảo luật, Phú Quốc có tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics, đặc biệt là dịch vụ du lịch đa dạng, tổng hợp. Nếu trong tương lai khi dự án kênh đào Kra của Thái Lan đi vào hoạt động thì Phú Quốc sẽ được hưởng lợi từ dự án này trong việc phát triển dịch vụ logistics.

Ngoài ra, quỹ đất không còn nhiều nên đa phần hoạt động kinh tế tại Phú Quốc tập trung vào du lịch và các ngành dịch vụ có liên quan.

Từ những lợi thế đặc thù cùng những phân tích, đánh giá định tính và định lượng, các ngành, nghề ưu tiên phát triển cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc được đề xuất bao gồm: dịch vụ du lịch, dịch vụ bán lẻ và y tế.

Cụ thể là các dự án dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng; dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng; khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên.

Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Dịch vụ quản lý tài sản không phân biệt quy mô vốn đầu tư.

Đầu tư xây dựng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Dịch vụ y tế có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng.

Nguồn:

TheLEADER – Cơ quan báo chí của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam

The post Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ ưu tiên phát triển những ngành nghề gì? appeared first on Đào tạo kỹ năng trực tuyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.