Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Nâng cao năng suất làm việc của cá nhân và doanh nghiệp

Bài viết về “Nâng cao năng suất làm việc của cá nhân và doanh nghiệp” được E-learningvn.com tổng hợp từ tác giả Nguyễn Hoàng Nam – Groups Quản trị & Khởi nghiệp chia sẻ khá thú vị về việc nâng cao năng suất làm việc được đúc kết từ buổi workshop. Chuyên mục đến 5 phần và admin sẽ cập nhật đến các bạn sớm nhất

Phần 1 – Nâng cao năng suất làm việc của cá nhân và doanh nghiệp

Hôm trước tôi có tổ chức 1 buổi workshop NÂNG CAO NĂNG SUẤT LÀM VIỆC CỦA CÁ NHÂN & DOANH NGHIỆP cho các anh em lớp CEO SG1. Một số bạn có comment và inbox tôi chia sẻ lại, nên tôi sẽ viết lại toàn bộ. Vì khá dài nện tôi chia làm 5 phần. Đây là những công cụ thực sự, không phải lý thuyết suông. Nếu các anh chị áp dụng, tôi tin năng suất làm việc của các anh chị sẽ tăng (còn tăng nhiều hay ko, thì phụ thuộc vào trước đó các anh chị đã tối ưu hóa đến mức nào)

MỤC TIÊU (Tôi đánh giá đây là điều quan trọng nhất để nâng cao năng suất làm việc)

Năm 1953, trường đại học Yale làm một cuộc nghiên cứu. Họ yêu cầu sinh viên sắp tốt nghiệp trả lời: “Có mục tiêu cụ thể gì sau khi tốt nghiệp?” Và chỉ có 3% đặt ra mục tiêu cho công việc, thu nhập, sự nghiệp cho 15-20 năm sau, 97% tới đâu hay tới đó.
Kết quả là 20 năm sau (1973), tổng thu nhập của 3% số có mục tiêu đạt gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% còn lại.

Năm 1979, trường đại học kinh doanh Harvard lặp lại nghiên cứu tương tự với sinh viên tốt nghiệp MBA. Kết quả là 3% sinh viên viết mục tiêu rõ ràng trên giấy, 13% có mục tiêu nhưng không viết ra, và 84% không đặt ra mục tiêu.
10 năm sau (1989), thu nhập bình quân của những người thuộc nhóm 13% gấp đôi nhóm 84%, và nhóm 3% thì gấp 10 lần so với 97% còn lại!!!
———————-
Có thể bạn đã từng đọc qua câu chuyện ở trên ở đâu đó. Tôi cũng vậy. Cách đây khá lâu, tôi đã từng đọc về câu chuyện này. Và theo thói quen của dân kỹ thuật, tôi lại google tìm hiểu nguồn gốc và tính xác thực. Đáng tiếc là câu chuyện này không có thật. Đại học Yale và đại học kinh doanh Harvard khẳng định họ chưa từng thực hiện những cuộc nghiên cứu đó. Vậy thì chúng ta có thể tin tưởng vào tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu không, khi mà chưa có ai chứng minh? Rất may là có rồi.
Năm 2007, trường đại học Dominican ở California đã làm một cuộc nghiên cứu về tầm quan trọng của việc đăt ra mục tiêu, cam kết và tính trách nhiệm (các anh chị có thể search tài liệu đó của giáo sư Gail Matthews thuộc trường đại học Dominican University, vì group yêu cầu ko được đính kèm link). Nghiên cứu chia ra 5 nhóm người gồm:
Nhóm 1 – Không viết ra mục tiêu.
Nhóm 2 – Viết ra mục tiêu
Nhóm 3 – Viết ra mục tiêu và cam kết thực hiện.
Nhóm 4 – Viết ra mục tiêu, cam kết thực hiện và gửi cho một người bạn tin tưởng.
Nhóm 5 – Viết ra mục tiêu, cam kết thực hiện, gửi mục tiêu và gửi tiến độ hàng tuần cho một người bạn tin tưởng.

Kết luận của nghiên cứu chỉ ra rằng:

1. Tác động tích cực của việc báo cáo tiến độ: Những người gửi báo cáo tiến độ hàng tuần (nhóm 5) đã đạt được thành tích nhiều hơn đáng kể so với những người thuộc nhóm khác.

2. Tác động tích cực của việc cam kết với một ai đó: Những người gửi cam kết với một người bạn (Nhóm 4) đã đạt được nhiều thành tích hơn những người thuộc nhóm 1, 2, 3.

3. Tác động tích cực của việc văn bản hóa các mục tiêu: Những người đã viết mục tiêu của mình (nhóm 2) đạt nhiều hơn đáng kể những thành tích so với những người không viết ra mục tiêu của mình (nhóm 1)

Có rất nhiều người, đã trải qua nhiều năm của cuộc đời ko xác định rõ ràng được mục tiêu thực sự của mình là gì (có 1 số báo cáo thì nói 97%, có 1 số báo cáo thì nói 90%, chưa kiểm chứng lại, nhưng tỷ lệ này là nhiều). Vì vậy, việc ĐẦU TIÊN & QUAN TRỌNG NHẤT bạn cần làm trong danh sách, đó chính là cần xác định lại rõ ràng MỤC TIÊU của mình là gì! Bạn có thể google các phương pháp xác định mục tiêu của Brian Tracy, phương pháp SMART & SMARTER, phương pháp Ikigai của người Nhật, phương pháp ngắn hạn và dài hạn…. Và rất nhiều phương pháp khác. Nói thật, tôi đã mất khá nhiều thời gian để phân định rạch ròi mình thật sự thích gì, mình muốn gì, mình giỏi cái gì, mình muốn trở thành người thế nào….để xác định mục tiêu của cuộc đời mình.
Chỉ đến khi đã xác định mục tiêu của mình là gì, thì bạn mới lên được kế hoạch, vẽ ra con đường đi, những cách để vượt qua những chướng ngại, và kiên trì theo đuổi. Có biết bao nhiêu người ngoài kia, vẫn ngày ngày làm việc mà không xác định họ đang làm vì điều gì. Và chỉ cần một khó khăn xảy ra, họ sẵn sàng bỏ cuộc. Những ví dụ về chuyện này, bạn có thể thấy hàng ngày.

Khi học CEO 1-SG do group QT&KN tổ chức, ngay từ những slide đầu tiên, Thầy đã hỏi: “Mục tiêu bắt đầu từ Tương Lai hay Hiện Tại?” Sau khi đợi cả lớp trao đổi thảo luận một lúc, Thầy mới trả lời: “Mục tiêu tương lai sẽ quyết định ngày hôm nay bạn làm gì.” Thầy cho một ví dụ về việc đặt mục tiêu sau 2 năm nữa xuất khẩu hàng ra nước ngoài, thì hôm nay đã phải bắt đầu tìm hiểu các giấy tờ hành chính, thủ tục xuất khẩu, đi tham quan các hội chợ quốc tế, xem các tiêu chuẩn để xuất khẩu qua nước đó thế nào…. Và xuyên suốt bài giảng Quản Trị Chiến Lược, Thầy nhấn mạnh rất nhiều về Mục Tiêu, Thầy yêu cầu anh em phải lượng hóa, cụ thể mục tiêu. VD có mục tiêu 10 năm, sau đó chia nhỏ ra thành 5 khoảng, mỗi khoảng 2 năm, hoặc 10 khoảng, mỗi khoảng 1 năm. Và có mục tiêu cụ thể của những khoảng đó, thực hiện những công việc cụ thể như thế nào. Phải biết mục tiêu của mình đặt trọng tâm ở đâu để chuẩn bị các bước, tập trung dồn nguồn lực cho trọng tâm đó. VD chọn ngành nào, chọn phương thức xuất khẩu hay trong nước….

Khi đã có Mục Tiêu cụ thể và viết ra được con đường để đi đến nó, hàng ngày/tuần/tháng kiểm tra lại, bạn sẽ thấy năng suất làm việc của mình tăng lên rất nhiều. Tin tôi đi, đặt bút xuống viết đi nào. Chúc bạn xác định mục tiêu tốt.

P/S: Dĩ nhiên, Mục Tiêu sẽ có thay đổi theo thời gian, để phù hợp với sự thay đổi của môi trường xung quanh (VD như Mai Linh, Vinasun, trước khi Grab và Uber vào VN, mục tiêu tăng trưởng x%/năm. Giờ thì mục tiêu chắc đổi thành giữ vững thị phần hoặc rút lui một phần…). Điều này còn tùy thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của bạn.

PHẦN 2 – MỤC TIÊU – CÁCH ĐỂ GIỮ VỮNG NIỀM TIN MỖI NGÀY

Trong bài viết phần 1 tôi post, anh Nguyễn Hùng Cường có nói: “Doanh nghiệp nào cũng có mục tiêu, cá nhân nào cũng có mục tiêu. Chỉ có sinh viên chưa ra đời là chưa có cụ thể.” Tôi không đồng ý với nhận định này. Kiểm chứng rất đơn giản. Bạn hãy hỏi 10 người bất kỳ xung quanh bạn, hỏi mục tiêu cuộc đời họ là gì. Có phải là đa số những câu trả lời sẽ là một số dạng như sau: Hoặc là không có câu trả lời. Hoặc là trả lời một cách rất chung chung, qua loa đại khái, không cụ thể, không có con số hoặc không đo lường được.

Không riêng gì cá nhân, doanh nghiệp cũng vậy. Đây cũng là nhận định của Simon Sinek, một trong những diễn giả có lượng người xem nhiều nhất trên TED.com, tác giả của 2 quyển sách nổi tiếng là Leaders Eat Last (Lãnh Đạo Luôn Ăn Sau Cùng) và Start With Why (Bắt Đầu Với Câu Hỏi Tại Sao). Trong khái niệm về Vòng Tròn Vàng, Simon nói rằng, mọi công ty và tổ chức trên thế giới đều biết họ làm Cái Gì (WHAT), một vài công ty và cá nhân biết họ làm CÁI GÌ theo cách NHƯ THẾ NÀO (HOW), nhưng rất ít cá nhân hay tổ chức có thể nói rõ ràng lý do TẠI SAO (WHY) họ làm những gì họ làm. Đối với một doanh nghiệp, TẦM NHÌN chính là MỤC TIÊU. Đó chính là cái đích cuối cùng ta muốn công ty mình đến. Điều tệ hại nhất, ở các doanh nghiệp, Tầm Nhìn lại thường do bộ phận marketing/hành chính nhân sự, hoặc thậm chí người chủ doanh nghiệp từ khi mới thành lập, đi copy từ google hoặc đọc ở các công ty khác “thấy hay hay”. Master Trần Xuân Hải, trong buổi chia sẻ tại nhà anh cũng từng nói, bởi vì rất ít doanh nghiệp trên thế giới có tầm nhìn và lý do rõ ràng vì sao họ làm, nên rất ít doanh nghiệp làm được như Apple hay Harley-Davidson. Từ trước khi ra mắt, Apple đã có những hàng dài người đứng xếp hàng chờ mua được những sản phẩm mới ra. Hay như Harley-Davidson, có cả cộng đồng những người tự hào xăm trên mình logo của hãng.

Tầm Nhìn của một doanh nghiệp phải do người chủ phải tự xác định dựa vào bản thân, mong muốn của bản thân. Nếu xây dựng được một tầm nhìn rõ ràng sẽ giúp chúng ta có động lực rất lớn, giúp cho nhân viên đi theo chúng ta, giúp cho nhà đầu tư sẽ đầu tư vào công ty, và giúp cho khách hàng đến với chúng ta.

VD về một câu chuyện Thầy đã từng kể trong lớp CEO SG2. Có 2 người thợ xây đang xây một bức tường dưới nắng nóng. Công việc rất cực nhọc. Khi được hỏi đang làm gì, một người nói: “Tôi đang xây một bức tường. Đây là một công việc rất cực nhọc, nhưng tôi còn phải nuôi gia đình nên tôi vẫn sẽ làm. Nếu có một công việc khác tốt hơn, nhẹ nhàng hơn và lương cao hơn, tôi sẽ bỏ việc này.” Trong khi đó, một người khác trả lời: “Đây là một công việc rất cực nhọc, tôi làm để nuôi gia đình. Nếu có một công việc khác nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn, tôi vẫn không từ bỏ công việc. Bởi tôi đang xây một THÁNH ĐƯỜNG.” Trong doanh nghiệp của bạn, nếu bạn không truyền tải được Tầm Nhìn(Mục Tiêu), Sứ Mệnh (Lộ Trình Đạt Đến Mục Tiêu) và Giá Trị Cốt Lõi(Giá Trị Văn Hóa, phân biệt với Năng Lực Cốt Lõi) cho nhân viên hiểu, thì nhân viên sẽ từ bỏ doanh nghiệp của bạn khi họ tìm được một công việc lương cao hơn. Đó là lý do trong 21 cách động viên nhân viên trong buổi học Leadership, Thầy cho Mục Tiêu lên hàng số 1.

Thầy Hồ Trọng Lai trong buổi workshop Xây Dựng Kế Hoạch Kinh Doanh hôm chủ nhật vừa rồi cũng nhận định, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam không có lập mục tiêu, hoặc lập mục tiêu thì cũng không rõ ràng. Và không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà cả những tập đoàn lớn mà thầy từng tư vấn cũng không đưa ra được mục tiêu cụ thể khi thầy hỏi về mục tiêu sang năm tăng trưởng kinh doanh bao nhiêu, doanh thu bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu, chiếm thị phần bao nhiêu… Và thầy hướng dẫn cách thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMARTER, cách đặt mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Thầy nói, khi triển khai, các bộ phận chức năng lại bị sa lầy vào các mục tiêu ngắn hạn (mục tiêu phụ) mà bỏ quên mục tiêu chính. Đó là những sai lầm rất thường gặp.

Tôi vẫn luôn nhấn mạnh, MỤC TIÊU chính là bước quan trọng nhất mà chúng ta cần thiết lập nếu muốn giữ vững niềm tin cho bản thân, cho doanh nghiệp tiến lên, cho nhân viên, cho nhà đầu tư và cho khách hàng. Trong bài trước, có 1 số bạn inbox hỏi tôi cách thiết lập mục tiêu. Dưới đây là bản dịch do bạn phó giám đốc công ty tôi dịch từ Before5AM về cách xác lập mục tiêu cá nhân. Mời các bạn tham khảo.
=====================
Cách bạn lập kế hoạch cho 1 ngày và cách bạn tập trung vào mỗi buổi sáng đóng vai trò rất quan trọng cho cảm xúc & đánh thức đam mê, mục tiêu sâu trong bạn.
Mỗi sáng khi thức dậy, bạn nên thực hiện những việc dưới đây. Chỉ với 5 phút lên kế hoạch và liên kết với mục tiêu của bạn.
1 . Mục tiêu cuộc đời của bạn là gì
Bạn sinh ra trên đời để làm gì và tài năng tuyệt vời nào của bạn muốn chia sẻ với thê giới?

2. Tầm nhìn của bạn là gì?
Tầm nhìn của cuộc đời bạn là gì? Nó cụ thể là gì nhỉ?
Bạn muốn đạt được những thành tựu gì và có những trải nghiệm gì trước khi lìa đời?

3. Bạn biết ơn điều gì trong cuộc đời ?
Mỗi sáng, bạn hãy viết ra những gì làm bạn cảm thấy an lòng, may mắn và biết ơn trong cuộc đời bạn.

4. Top 10 mục tiêu cuộc đời của bạn là gì ?
Bạn thực sự muốn có những trải nghiệm nào và thành tựu gì trong cuộc đời bạn?
Điều gì làm cho bạn cảm thấy thoải mái, thành công và hài lòng nhất?

5. Top 3 mục tiêu trong ngày của bạn là gì ?
Những việc gì (mà bạn cần hoàn thành việc trong ngày hôm nay) để giúp bạn tiến lại gần mục tiêu, tầm nhìn của bạn?

6. Bạn cam kết gì cho cuộc đời bạn ?
Bạn cam kết điều gì cho cuộc đời mình và những gì bạn cần dấn thân để biến giấc mơ của bạn thành sự thật?
Bạn cam kết sẽ hoàn thành những gì cho hôm nay?
———
Quá trình trên chỉ cần 10-15 phút mỗi sáng. Nhưng nó sẽ giúp cho bạn định hướng cho 1 ngày mới
Sống với mục tiêu & đam mê bắt đầu từ việc bạn lên kế hoạch cho 1 ngày như thế nào và cách bạn thiết lập tư duy, thể lực và tinh thần cho sụ thành công.
Cách bạn lập kế hoạch cho 1 ngày và cách bạn tập trung vào mỗi buổi sáng đóng vai trò rất quan trọng cho cảm xúc & đánh thức đam mê, mục tiêu sâu trong bạn.

Lê Quang Dương
Phó giám đốc công ty TNHH Nam Dương
(Biên dịch từ Before5AM)
=====================

Tác giả Nguyễn Hoàng Nam
Thành viên CEO SG1 – Groups Quản trị và Khởi nghiệp

đang update 3 phần còn lại (các bạn vui lòng chờ đọc tiếp nhé)

The post Nâng cao năng suất làm việc của cá nhân và doanh nghiệp appeared first on Đào tạo kỹ năng trực tuyến.

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Biệt thự, căn hộ cao cấp bị ngân hàng thu giữ tài sản

image

Trong vòng hơn 2 tuần qua, Techcombank đã liên tiếp thông báo thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ theo các hợp đồng thế chấp.

32 tài sản đảm bảo trong số này là các bất động sản, bao gồm cả các biệt thự, căn hộ chung cư cao cấp và nhà hoặc thửa đất, chủ yếu tại Hà Nội. Ngoài ra có 5 ô tô được được thông báo thu giữ tài sản đảm bảo, Techcombank đăng ngày 1/9.

Các khách hàng vay vốn bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp đều đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Techcombank.

Hôm 8/9, Agribank cũng thông báo sẽ phối hợp với công ty Agribank AMC thu giữ tài sản đảm bảo của công ty Vinalines Đông Đô (Hải Phòng) vào ngày 21/9. Tài sản thu giữ là trạm biến áp có diện tích xây dựng 109,7 m2 cùng toàn bộ tài sản được xây dựng trên thửa đất thuê có diện tích 183.119,4m2 tại xã Tam Hưng, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Công ty TNHH Sửa chữa tầu biển Vinalines Đông Đô đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank, thông báo của ngân hàng này viết.

Trước đó, ngày 21/8, công ty VAMC đã thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Saigon One Tower tại TP.HCM. Đây là hoạt động xử lý tài sản đảm bảo đối với khoản nợ xấu lên đến hơn 7.000 tỷ đồng mà VAMC đã mua lại từ một số tổ chức tín dụng và một số công ty khác.

Đây được xem là những kết quả bước đầu của việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đây là cơ sở pháp lý giúp các ngân hàng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Mục tiêu là đảo bảo các ngân hàng phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm:

TheLEADER – Cơ quan báo chí của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam

The post Biệt thự, căn hộ cao cấp bị ngân hàng thu giữ tài sản appeared first on Đào tạo kỹ năng trực tuyến.